Phường Đức Thuận nằm về phía Bắc và Tây Bắc Thị xã Hồng Lĩnh. Từ năm 1992 năm thành lập Thị xã Hồng Lĩnh đến nay, vị trí của phường được xác định như sau: Phía Bắc giáp phường Trung Lương, phía Đông giáp xã Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân - theo chỉ giới là đường phân thủy của dãy Hồng Lĩnh) và phường Bắc Hồng, phía Nam và Tây Nam giáp xã Đức Thịnh, phía Tây giáp xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ) - lấy sông Minh - một nhánh của kênh Nhà Lê (tiền Lê) làm địa giới.

Nếu lấy Ngã ba Bãi Vọt làm chuẩn, để đến được trụ sở phường, có 2 con đường chính là: Hoặc đi theo Quốc lộ 8A đến cách cầu Đò Trai khoảng 300m, rẽ vào đường Phan Hưng Tạo (liên Trung Lương - Đức Thuận - Đức Thịnh) khoảng 01 km, rẽ phải theo đường Ngọc Sơn (trục chính đến trụ sở phường) khoảng 01 km. Hoặc theo Quốc lộ 1A đến Nga Tư đường 3.2 đi rẽ trái thẳng đường Ngọc Sơn1 khoảng 03 km là đến trụ sở phường. Ngoài ra, do hiện tại, hệ thống giao thông của phường đã khá hoàn chỉnh nên chúng ta có thể đến trụ sở phường bằng nhiều đường khác nữa. Những con đường đó phần lớn ô tô đều đi được.

Qua quá trình phát triển của lịch sử, địa giới hành chính và tên gọi của Đức Thuận đã nhiều lần thay đổi.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Trung Kỳ là xứ bảo hộ với hệ thống hành chính 7 cấp: Trung ương (triều đình), cấp kỳ, tỉnh, phủ, huyện, tổng, làng. Làng là đơn vị hành chính cơ sở có con dấu riêng. Cấp xã vẫn tồn tại nhưng không phải là cấp hành chính. Các làng Quỳnh Lâm, Trung Lương, Vân Chàng, Ngọc Sơn, Bình Lãng, Vĩnh Ninh (thuộc phường Trung Lương và phường Đức Thuận ngày nay) là đơn vị hành chính cơ sở thuộc tổng Trung Lương, huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã bãi bỏ cấp kỳ, phủ, tổng, làng, thành lập hệ thống hành chính 5 cấp: Trung ương, khu (liên khu), tỉnh, huyện và xã. Xã là đơn vị hành chính cơ sở. Các làng Vân Chàng, Ngọc Sơn, Bình Lãng, Vĩnh Ninh được sáp nhập lại thành xã Thiên Thuận (đây là những làng gốc, ổn định lâu dài của phường Đức Thuận ngày nay). Thiên Thuận trở thành một vùng đất rộng lớn. Địa giới hành chính của xã lúc này được xác định như sau: Phía Tây từ Trường sơ học Trung Ngọc (cũ) đến bến Đò Trai theo đường ranh giới của xóm Miếu (sau này một phần thuộc xã Trung Lương); phía Nam từ bến Đò Trai (lấy sông Tràng Cần - một đoạn của sông Minh làm địa giới) chạy dọc Quốc lộ 8 (lúc này đã được xây dựng) đến khe Nhà Mụa thuộc dãy Hồng Lĩnh (phần thuộc phường Nam Hồng ngày nay). Phía Đông bắt đầu từ khe Nhà Mụa chạy dọc theo đường phân thủy với xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) đến chùa Thiên Tượng (khoảng 1.000m). Phía Bắc từ chùa Thiên Tượng đến trường sơ học Trung Ngọc (theo đường ranh giới của xóm Miếu).

Năm 1948, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc nhập các xã nhỏ thành xã lớn để phục vụ tốt hơn nhu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Thiên Thuận sáp nhập với xã Hồng Tiên (tức phường Trung Lương hiện nay) thành xã Hồng Thuận.

Tháng 2 năm 1950, xã Hồng Thuận và xã Trung Lương tách khỏi huyện Can Lộc nhập về huyện Đức Thọ.

Tháng 7 năm 1954, sau hòa bình lập lại, thực hiện chủ trương chia xã lớn thành xã nhỏ, xã Hồng Thuận lại tách ra làm 2 xã như trước năm 1948. Hồng Tiên đổi tên thành Đức Hồng. Thiên Thuận đổi tên là Đức Thuận (theo quy định cách đặt tên của hệ thống hành chính lúc bấy giờ là lấy chữ đầu tên huyện ghép với chữ cuối tên truyền thống của xã).

Năm 1963, Đức Thuận đón nhận thêm cư dân vùng ngập lụt ngoài đê La Giang đến xây dựng vùng kinh tế mới, định cư dưới chân núi Hồng, góp phần hình thành nên làng mới mang tên làng Hồng Lĩnh.

Ngày 19.9.1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 76/QĐ-HĐBT thành lập thị trấn Hồng Lĩnh thuộc huyện Đức Thọ. Theo quyết định này, một vùng đất rộng lớn phía Đông và Đông Nam của làng Bình Hồng (Bình Lãng cũ) được tách khỏi Đức Thuận nhập vào thị trấn Hồng Lĩnh.

Ngày 03.2.1992, theo Quyết định số 67/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thị xã Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Thị xã bao gồm thị trấn Hồng Lĩnh, xã Đức Thuận, xã Trung Lương, 29,02 ha diện tích tự nhiên với 389 nhân khẩu của xã Đức Thịnh thuộc huyện Đức Thọ, các xã Đậu Liêu và Thuận Lộc thuộc huyện Can Lộc với diện tích 5.809,11 ha và 29.666 nhân khẩu.

Sau khi thành lập, phần lớn cư dân xóm 6 mới định cư ven Quốc lộ 1A được chuyển về phường Bắc Hồng. Xã được nhận thêm một số diện tích đất và một bộ phận cư dân phía hữu ngạn sông Minh của xã Đức Thịnh (Đức Thọ) chuyển về, lập nên xóm Đồng Thuận.

Ngày 19.01.2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 03-NĐ/CP về việc thành lập 3 phường mới trên cơ sở 3 xã: Đậu Liêu, Đức Thuận, Trung Lương. Theo đó Đức Thuận được đổi thành phường Đức Thuận trên cơ sở giữ nguyên địa giới hành chính như trước đó. Cùng với sự thay đổi này, hệ thống chính trị, bộ máy quản lí hành chính, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng được điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của đơn vị hành chính cơ sở của đô thị.

Như vậy, sau những biến đổi của lịch sử, phường Đức Thuận ngày nay bao gồm 4 khu dân cư: Vân Chàng (tức Vân Thủy), Ngọc Sơn, Đồng Thuận, Hồng Lĩnh.

       2. Dân cư

Hiện nay, chưa có phát hiện về dấu tích người Việt cổ trên đất Đức Thuận nhưng qua tìm hiểu gia phả các dòng họ cũng như các câu chuyện lưu truyền từ các cụ cao niên và các sự tích về đình, đền, kết hợp với tham khảo tài liệu, địa bạ… nhận thấy hầu hết các làng xóm trong khu vực trước đây đều có tên gọi đầu là "Kẻ" như: Kẻ Bấn, Kẻ Treo, Kẻ Thổ... và nhiều nơi có tên là "Xá", điều này chứng tỏ đây là vùng đất cổ đã có người đến định cư từ rất lâu.

Theo gia phả các dòng họ, dân cư của Đức Thuận có nguồn gốc khác nhau. Phần lớn là người từ các vùng trong tỉnh và một số ít từ các tỉnh khác đến định cư.

Trên cơ sở đó, bước đầu có thể khái quát về sự hình thành dân cư và làng xóm của Đức Thuận như sau:

Làng Vân Chàng: Vân Chàng xưa còn có tên là  Hoa Chàng, thuộc tổng Minh Lang (Minh Lương), huyện Thiên Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Về sau, vì kỵ húy với tên bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng - mẹ vua Thiệu Trị) nên làng đổi là Vân Chàng[1]. Dân cư Vân Chàng xuất hiện từ đời Lý. Nhưng vì cư trú dọc tuyến sông Minh (kênh Nhà Lê) thông với sông Lam - gần khu vực “Đồng Trận” là vùng giao chiến thời hậu Trần chống quân Minh, rồi Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn kéo dài gần trăm năm, vì vậy dân Vân Chàng phải ly tán nhiều nơi. Mãi đến đầu thời Nguyễn, họ mới kéo nhau về ở trên đất làng Chạn2, kề Nhà Thánh của xã (hiện tại, trên đất Đức Thuận còn có nền đất và cổng tam quan của Nhà Thánh). Từ làng Chạn, về sau, nhiều hộ dân còn đến định cư dọc hữu ngạn sông Minh thuộc xã Yên Hồ (từ xã Trung Lương đến bến Đò Trai dài khoảng 1,5km).

Trước Cách mạng tháng Tám, làng có 7 giáp: Phúc, Lộc, Nhì, Thượng, Tiền, Tả, Hữu bao gồm dân cư các xóm từ phía Bắc xã trở vào: Xóm Miếu, xóm Dưới, xóm Cầu Ao, xóm Trửa (tức xóm Chét), xóm Đu, xóm Đình, xóm Tròi, xóm Đền, xóm Sau, xóm Cầu Chợ, xóm Mới, xóm bến Một, xóm Ba Mụ (tức Tam Đa), xóm Cây Bàng, xóm Chùa Kênh.

Năm 1948, khi xã Hồng Tiến nhập với xã Thiên Thuận thành xã lớn Hồng Thuận, các xóm nhỏ trong làng cũng được nhập thành xóm lớn. Xóm Miếu, xóm Dưới, xóm Cầu Ao, xóm Trửa (tức xóm Chét), xóm Đu, xóm Đình, xóm Tròi, xóm Đền, xóm Sau, xóm Cầu Chợ nhập lại thành xóm 7; xóm Mới, xóm Bến Một, xóm Tân Đức, xóm Mụ Ba (tức Tam Đa), xóm Cây Bàng, xóm Chùa Kênh nhập lại thành xóm 8.

Năm 1954, sau hòa bình lập lại, Hồng Thuận lại chia thành 2 xã: Đức Hồng (tức phường Trung Lương hiện nay) và Đức Thuận. Làng Vân Chàng thuộc xã Đức Thuận. Vào thời điểm này, làng Vân Chàng có 5 xóm: 1, 2, 3, 4, 5.

Từ tháng 3.2009, làng được nhập lại thành 3 tổ dân phố là Thuận Hòa (gồm xóm 1, 2 cũ); Thuận An (gồm xóm 3, 4 cũ); Thuận Tiến (xóm 5 cũ).

Dân số làng Vân Chàng trước Cách mạng tháng Tám chỉ khoảng trên dưới 1.000 người, nay đã lên tới gần 3.000 người, diện tích đất ở và đất canh tác chưa đầy 25 ha.

Làng Ngọc Sơn: Làng Ngọc Sơn ngày trước thuộc xã Bình Lãng Thượng, tổng Minh Lang, huyện Thiên Lộc.

Xã Bình Lãng Thượng có ngọn núi nhỏ Ngọc Sơn mọc lên giữa đồng bằng. Sách “Thiên Lộc huyện chí” mô tả: “Từ hướng đông và hướng tây mà nhìn thì thấy ngọn núi như cái chuông úp, trên núi cây cối xanh tốt…”. Ngọc Sơn xưa cũng được gọi là Rú Thổ. Chuyện dân gian kể rằng: Khi nhìn lên núi thấy giống hình con rùa, nên có một thời gian gọi là Quy Lĩnh (Rú Rùa). Ban đêm, trên núi có “con Nguộc” to bằng con lợn phát sáng như viên ngọc đi ăn nên mới gọi tên núi là Ngọc Sơn (Nguộc đọc lệch thành Ngọc). Ngọc Sơn đã tạo cho vùng đất này cảnh đẹp nên thơ được phác họa như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Bài vè “Đi củi” lưu truyền từ xa xưa đã miêu tả toàn cảnh ấy1.

Làng Ngọc Sơn rộng nhất tổng Minh Lang. Địa giới của làng được phân định như sau: Phía Đông từ khe Nhà Mụa đến chùa Thiên Tượng (bao gồm cả vùng rừng núi rộng lớn phía Tây dãy Hồng Lĩnh, trong đó có suối Tiên, chùa Long Đàm); phía Bắc từ chùa Thiên Tượng xuống tận vùng đồng rậm xung quanh Rú Ngọc đến địa phận làng Vân Chàng giáp sông Minh; phía Tây chạy dọc theo địa giới xóm Miếu đến vùng Xí nghiệp gạch Thuận Lộc (bây giờ) và phía Nam từ đây chạy dọc Quốc lộ 8 đến khe Nhà Mụa.

 Như vậy, có thể hình dung đất làng Ngọc Sơn lúc đó bao gồm làng Bình Hồng, phường Bắc Hồng, phía Bắc dọc khe Bà Kim, phường Nam Hồng (từ trên núi xuống sông Minh), toàn bộ tổ dân phố Thuận Hồng, tổ dân phố Thuận Minh và một phần khá rộng ruộng đồng của xóm Vân Thủy hiện nay.

Trong khu vực này có một số địa danh gắn liền với những câu chuyện cổ: Tương truyền đời Lý, có một nhóm cư dân trú ngụ ở vùng đất phía Nam làng Kẻ Thổ (cạnh Quốc lộ 8A đến Bãi Thẹn ngày nay). Vùng đất này thường xuyên bị ngập lụt. Mãi đến lúc dân cư đã đông hơn, dân làng mới dời lên ven núi - ở vùng đình làng hiện nay. Có ba người đàn bàn góa không chuyển nhà vẫn ở chỗ cũ. Nơi ấy ngày nay gọi là “đồng Ba Mụ”.

Người có công đưa dân làng từ đồng lên núi là hai anh em ruột Thái Nhạc và Thái Lược. Về sau, hai ông được nhân dân tôn làm Thành Hoàng và dựng đền thờ gọi là đền Quản Sơn. Người dân ở đây cho rằng họ Thái đến ở đất Kẻ Thổ đầu tiên nhưng không rõ từ đâu đến và đến từ bao giờ, nay di duệ không còn ai. Sau họ Thái, Ngọc Sơn còn có họ Đoàn, họ Hồ, họ Nguyễn, họ Đinh, họ Lê, họ Võ, họ Bùi, họ Sử, họ Trần, họ Phạm… Phần lớn các dòng họ nay chỉ còn 8 - 10 hộ gia đình, đông nhất là họ Bùi (còn khoảng 50 hộ). Họ Sử, nguyên là họ Trần, cũng chỉ còn bốn năm chục hộ do một số đi theo hai ông Trạng là Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy1 lên huyện Đỗ Gia (bao gồm huyện Hương Sơn, Hương Khê, một phần của huyện Vũ Quang ngày nay), số khác đi đến nhiều địa phương (Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh…). Theo lời kể của các cụ cao niên, 10 dòng họ của làng Ngọc Sơn đã cử mỗi họ một gia đình lên lập làng Vĩnh Ninh để chiếm giữ ruộng đất và một phần núi Hồng Lĩnh sát Kẻ Bấn (làng Bấn Xá, nay thuộc phường Trung Lương). Dân Vĩnh Ninh lập đền thờ vị Trà Lân phủ tức Tri phủ Bùi Hữu Chấn. Về sau, do sơn lam chướng khí, người dân da xanh, bụng ỏng, bệnh tật, chết non, trẻ con thường hữu sinh vô dưỡng, làng mỗi ngày một điêu tàn, làng chỉ còn thưa thớt một số hộ nên phải dời xuống các vùng đồng ruộng cày cấy (1952) nhưng vẫn không khá lên, cuối cùng phải trở về làng cũ Ngọc Sơn. Lúc về chỉ còn 04 gia đình họ Bùi, 01 gia đình họ Nguyễn, 01 gia đình họ Trần.

Ngoài 10 dòng họ trên còn có một số họ khác đến sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất này. Theo gia phả dòng họ Phan, cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, họ Phan dòng dõi Tiến sỹ Phan Tất Thông ở Đông Thành (nay là xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã vào Ngọc Sơn sinh sống. Ông tổ là Phan Tất Tráng. Lúc mới đến, ông dựng nhà ở cánh đồng giữa hai làng Ngọc Sơn và Vĩnh Ninh. Đập nước ông đắp hồi ấy nay vẫn còn gọi là “đập Ông Tráng”, sau kiêng huý gọi chệch ra “đập ông Trảng”. Họ Phan có số dân đông nhất làng Ngọc Sơn.

Đến nay, làng Ngọc Sơn bao gồm các xóm 7, 8, 9 cũ.

Ngoài 2 làng cổ Vân Chàng và Ngọc Sơn, Đức Thuận còn có 3 vùng dân cư nữa là:

Xóm 10 Hồng Lĩnh gồm dân vùng lụt ngoài đê La Giang vào ở, nay gọi là tổ dân phố Thuận Minh.

 Xóm 11 gồm dân nhiều nơi, chủ yếu là công nhân Xí nghiệp gạch - Công ty xây dựng số 6 (Bộ xây dựng) đến ở, nay gọi là tổ dân phố Thuận Hồng.

   Xóm Đồng Thuận gồm gần nửa dân xã Đức Thịnh (Đức Thọ) cư trú phía hữu ngạn sông Minh dọc 2 bên Quốc lộ 8A, nay gọi là tổ dân phố Đồng Thuận.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, do thiên tai, dịch bệnh, chủ trương di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước nên dân số Đức Thuận có nhiều biến động. Trước Cách mạng tháng Tám, toàn xã chỉ có khoảng 1.400 người. Năm 1954, khi tách ra từ xã Hồng Thuận dân số Đức Thuận đã lên tới 2.923 người. Năm 1992, khi sáp nhập vào thị xã Hồng Lĩnh, dân số lên 4.860 người, phân bổ trên 7 tổ dân phố: Thuận Minh, Thuận Hồng, Đồng Thuận, Ngọc Sơn và 3 tổ dân phố ở làng Vân Chàng cũ gồm: Thuận An, Thuận Hòa, Thuận Tiến.

 Để sinh tồn và ổn định cuộc sống, các thế hệ người dân trên vùng đất Đức Thuận đã chung lưng đấu cật khai phá đất đai, đồng ruộng, mở mang diện tích đất canh tác và luôn đoàn kết, thuận hòa, tôn trọng lẫn nhau. Truyền thống đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương của người dân Đức Thuận.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, nhân dân Đức Thuận tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước và cách mạng của cha ông, ra sức thi đua phát triển sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

 

1 Xem bản đồ vệ tinh hoặc bản đồ hành chính thị xã Hồng Lĩnh

[1] Đinh Xuân Vịnh. Sổ tay địa danh Việt Nam. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 710.

2 Sở dĩ có tên làng Chạn là do trước đây, khi chưa có đê La Giang, mỗi lần lũ lụt dân phải lên ở trên “chạn” - là phần nhà ở được lắp thêm hệ thống chịu lực bằng gỗ, lát ván (nhà giàu) hoặc tre, phên nứa (nhà nghèo) kê trên hạ để chứa thóc gạo, các đồ dùng và khi có lụt lội ngập nền nhà thì cả nhà trèo lên ở.

1             

    “Dạo gót quan sơn

     Ngẫm đồng bằng không mấy

     Thấy nước non ngàn trùng

     Đi qua cõi vận trung

     Thấy một hòn Rú Ngọc,

 

Thấy trời xanh một góc

Cây Hồng Lĩnh đôi ngàn

Mặt trời mọc sương tan

Đoàn tiều phu gõ nhịp

……………………….”

                                               

 

1 Xem tiểu sử song Trạng nguyên Sử Huy Nhan (? - 1421) và Sử Đức Huy (1360 - 1430) ở mục Truyền thống khoa bảng phần Đời sống tinh thần (tr…)

 

 

 

Văn bản mới ban hành
PHÁT THANH P. ĐỨC THUẬN
Bản đồ phường Đức Thuận
 Liên kết website
Thống kê: 388.820
Online: 12