Đức Thuận nằm trong tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa Bắc Trung bộ nên có 04 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Một cách tương đối, có thể phân chia khí hậu ở đây thành 02 mùa: Mùa nóng và mùa lạnh.

 Mùa nóng: Thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch; có nền nhiệt cao, lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Tây Nam (gió Lào) nên không khí trở nên oi nồng, khó chịu. Trước đây, khi hệ thống thủy lợi chưa phát triển, những tháng có gió Tây Nam thổi mạnh thường không có mưa hoặc mưa ít nên thường bị hạn. Buổi chiều và ban đêm thường có gió mùa Đông Nam mang hơi nước từ biển Đông vào làm dịu bớt sự oi nồng. Đây cũng là mùa mưa, bão. Hằng năm, từ tháng 8 đến tháng 10, trung bình Đức Thuận và các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng từ 2 - 4 cơn bão. Bão vào thường gây mưa to, nhiều năm thành lụt lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Mùa lạnh: Thường từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Mùa này, nền nhiệt thấp (trung bình khoảng 18 đến 200C). Đặc điểm nổi bật trong mùa là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc. Gió thổi thành từng đợt từ 5 đến 7 ngày, mang theo nhiều hơi nước, gây mưa dầm, có khi gây rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người.

 Điều kiện khí hậu, thời tiết nói trên đã tạo ra những thuận lợi cơ bản để nhân dân Đức Thuận phát triển sản xuất và sinh hoạt. Tuy vậy, cũng có những năm thời tiết không thuận, mưa bão và lũ lụt gây trở ngại không nhỏ tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ sau ngày đi lên chủ nghĩa xã hội (1960) và trong suốt quá trình phát triển, hệ thống thủy lợi từng bước được xây dựng đã hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết.

+ Sông, suối  - nguồn nước

Ở Đức Thuận, sông Minh - một đoạn của kênh Nhà Lê (thời Lê Sơ - Lê Hoàn) nối sông La (nhánh Trổ) tại cống Trung Lương với sông Nghèn là đường thủy quan trọng và là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất, sinh hoạt của toàn phường. Ngoài ra, tuy ít nhưng các con khe, hói thuộc khu vực núi Hồng cũng là nguồn cung cấp một lượng nước tương đối khá cho sinh hoạt và sản xuất. Đức Thuận không có hồ lớn. Hiện nay, số diện tích ao hồ tự nhiên của phường chủ yếu dùng để nuôi thủy sản.

Xác định được tầm quan trọng của nước, công tác thủy lợi ở Đức Thuận đã được triển khai thường xuyên ngay từ những năm đầu thành lập hợp tác xã với khẩu hiệu: “Hợp tác hóa đi đôi với thủy lợi hóa” với mục đích đảm bảo tưới và tiêu úng cho đồng ruộng. Với sự nỗ lực của toàn dân và sự giúp đỡ của Nhà nước, đến nay, Đức Thuận đã xây dựng được hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân.

+ Rừng và tài nguyên rừng

Trước đây, phần diện tích dãy Hồng Lĩnh và núi Ngọc Sơn thuộc địa bàn Đức Thuận là rừng rậm với nhiều loại gỗ, muông thú, dược liệu quý hiếm... Theo thời gian, cùng với việc khai phá đất đai, mở mang diện tích định canh định cư, đặc biệt là từ khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, rừng núi ở đây bị tàn phá dữ dội. Đến những năm cuối thế kỷ XX, rừng Đức Thuận đã bị khai thác quá mức. Các loại gỗ quý như lim, gõ, trắc, chò cũng như các loài gỗ tạp như cầy cầy, la lã, bộp vàng, bộp trắng, bùng vang, cuống tàu... đã bị khai thác cạn kiệt. Nhiều loài động vật như khỉ, lợn rừng, trăn và nhiều muông thú khác gần như bị tuyệt chủng. Sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên rừng đã ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất của người dân. Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên ở Đức Thuận không còn nữa, thay vào đó là những cánh rừng trồng. Khoảng hơn 15 năm trở lại đây, nhờ nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng rừng, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhân dân Đức Thuận đã chủ động trồng thêm hàng trăm ha rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc theo phương châm vừa bảo vệ vừa làm kinh tế.

Cũng như dãy Hồng Lĩnh, đồi núi ở đây có trữ lượng đá vôi và granit tương đối lớn. Nhưng do công tác quy hoạch, hiện tại, Đức Thuận chưa có điều kiện phát triển  việc khai thác.

    Từ thế kỉ XI đến XIII (thời Lý - Trần), Phật giáo rất phát triển; khu vực Hồng Lĩnh là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của nước Đại Việt.  Nơi đây, vì thế có nhiều chùa chiền và ngày nay, một số đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa. Mặt khác, hai biểu tượng địa linh Sông Lam, núi Hồng với nhiều danh thắng đẹp, nổi tiếng là điều kiện để Đức Thuận phát triển du lịch trong tương lai.

      Nhìn chung, điều kiện tự nhiên với những đặc điểm riêng đã tạo những thuận lợi cơ bản đồng thời cũng đặt ra những khó khăn, thách thức cho Đức Thuận cần phải vượt qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đức Thuận đã và đang tranh thủ mọi nguồn lực nhằm khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hơn đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Hồng Lĩnh ngày càng giàu đẹp.

 

 

Văn bản mới ban hành
PHÁT THANH P. ĐỨC THUẬN
Bản đồ phường Đức Thuận
 Liên kết website
Thống kê: 376.310
Online: 219