Đền Tích Thiện xây dựng vào đầu những năm của thế kỷ XX, do ông Nguyễn Hào và Lê Toàn sinh sống tại làng Vân Chàng khởi xướng xây dựng . Đền được xây dựng trên nền tảng ý thức tôn thờ, sự kính trọng của người dân làng Vân Chàng đối với vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - danh tướng lịch sử dân tộc Việt Nam tôn lên bậc thánh nên còn được gọi là Đức Thánh Trần. Từ khi xây dựng đến nay mặc dù đã có nhiều lần tu sửa nhưng đền Tích thiện luôn bảo lưu kiến trúc ban đầu của nó, vẫn mang giá trị gốc và luôn phát huy được giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Đền Tích Thiện

Tên Tích Thiện có nghĩa là hướng mọi người đi theo lẽ phải, tích góp việc thiện để lấy phúc, lấy đức cho con cháu về sau. Tích Thiện Đàn là một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng vì nằm ở thế phong thủy đắc địa. Đền được xây dựng với một kết cấu hết sức đặc biệt đó là có khung bằng gạch đỏ nhưng những viên gạch này được kết dính với nhau bởi một hỗn hợp vôi, mật mía và gốc rạ cho nên dù đã tồn tại hơn hai trăm năm nhưng đền vẫn giữ gần như nguyên vẹn.

Hưng Đạo Đại Vương tên thật là Trần Quốc Tuấn là con trai của An sinh vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú. Sinh khoảng năm 1231-1232 tại Kiếp bạc, xã Hưng Đạo huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nguyên quán ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ lộc, tỉnh Nam Định. Có tướng mạo hùng vĩ, xem rộng biết nhiều, đủ tài văn võ, chuyên nghiên cứu lục thao tâm lược của người xưa và dành cả tâm huyết, hiểu biết của mình để viết Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp truyền tông bí truyền thư và Hịch tướng sỹ để dạy các tướng cầm quân đánh giăc, khích lệ lòng yêu nước của nhân dân Đại Việt. Ông luôn đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên trên thù nhà, luôn vun trồng cho khối Đại đoàn kết, tạo cho thế nước ở đỉnh cao và đủ sức mạnh đè bẹp quân thù. Vốn có tài quân sự lại là tôn thất nhà Trần, trong cả ba lần quân Nguyên - Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng. Đặc biệt ở cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1288), ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở trận Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi đất nước.

Về tài cầm quân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chính sử chép như sau: Đầu năm 1285, quân Nguyên ào ạt tiến quân xâm lược nước ta để bảo toàn lực lượng Hưng Đạo Đại Vương với kế sách “vườn không nhà trống” ông đã ra lệnh cho quân và dân rời khỏi kinh đô Thăng Long. Thấy thế của giặc quá cao mạnh, bọn văn nghĩa hầu Trần Tú Viên, Văn chiêu Hầu Trần lộng, chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đem cả gia quyến sang hàng giặc. Trước tình hình đó, vua Trần Nhân Tông triệu Hưng Đạo Đại Vương đến và nói “Kẻ thù rất mạnh, ta e rằng chiến tranh sẽ kéo dài sẽ làm đất nước tổn hại”. hay là ta đầu hàng để cứu dân. Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trả lời “ nếu bệ hạ muốn chém đầu thì hãy chém đầu tôi đi đã”. Khi cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ 3 thành công, đất nước thanh bình thì Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lui về sống ở Vạn Kiếp. Ông dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp mà Kiếp Bạc là trung tâm để lập Phủ đệ và quân doanh làm phòng tuyến chiến lược giữ mặt Đông Bắc của Tổ quốc, Ông tiến hành trồng các loại cây thuốc để chữa bệnh cho binh sĩ và nhân dân trong vùng.

           Sau khi ông mất triều đình phong tặng là Thái sư Thượng phụ quốc công Tiết chế Nhân Võ Hưng Đạo Vương. Nhân dân vô cùng thương tiếc người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc nên lập đền thờ ông trên nền Vương  phủ gọi là đền Kiếp bạc(Huyện chí Linh tỉnh Hải Dương).

Về mặt kiến trúc, Đền Tích Thiện được xây dựng khá đơn giản, gồm hai vì kèo bằng gỗ gác tường tạo thành ba gian, tường bao khép kín. Mặt tiền được tạo ba cửa, phía trên có ba chữ Hán: Đền Tích Thiện. Bên trái đề ba chữ: Thánh vụ hương (làm việc thiện). Bên phải đề ba chữ : Thượng Tại Dương (nhờ bề trên). Trên cùng là biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt” (đôi rồng chầu mặt trăng)

Nội thất được bài trí theo ba cấp hương án (đúc bằng bê tông) theo thứ tự từ thấp đến cao. Cấp 1: Chính giữa đặt một bức thêu chữ Tâm, trước đặt một lư hương sứ và ảnh chân dung hai vị khởi xướng xây dựng đền năm 1929. Hai bên có hai con hạc đứng trên lưng rùa bằng gỗ hướng đầu vào nhau và treo câu đối gỗ.

Phiên âm:

Chí khí tráng sơn hà nam bắc anh hùng duy hữu nhất

Minh tinh quang vũ trục Á, Âu hào kiệt vô song

Tạm dịch nghĩa là:

Người du nhất làm rạng danh đất nước

Tỏa ánh hào quang khắp Á, Âu

 

Vô lược luyện hùng binh lục thủy nghìn thu lược sử Việt

Văn tài mưu thượng tướng Bạch Đằng một trận thắng quân Nguyên

Tạm dịch

Việc luyện binh được ghi vào trang sử dân tộc

Tài mưu lược đã làm nên chiến thắng Bạch đằng.

Tiếp đến bài trí các đồ thờ như hộp quả, lư hương, cọc nến và hai cây đền thờ, phí sau có bốn thẻ bài bằng gỗ, sơn son thiếp vàng: Nguyên từ quốc mẫu; Quan thánh đế; Trần Đại Vương, Vân Nương thánh mẫu.

Hai bên có câu đối bằng chữ nôm:

Sát thát uy danh vùng đất bắc

Diệt thù nổ khí động trời nam

Trên cùng đặt bộ lư hương bằng đồng, gươm thờ, đao thờ và bộ tranh thờ. Chính giữa là tranh quan Thánh đế, dưới là Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, bên phải Tranh Vân Nương thiên tiên thánh mẫu, bên trái Nguyên từ quốc mẫu. trên có biển gỗ theo kiểu cuốn thư có đề hai chữ LÂM CHIẾU, bên trái đề mộc ân cung tiến, bên phải đề lang phi kỹ mão (ban năm Kỷ mão).

           Tại nội thất còn có một bức biển gỗ đề hai chữ: CHÍNH KHÍ, bên trái bức biển đề Mộc Ân văn bái kiến, bên phải chữ đề bảo đại kỷ mão xuân. Một bộ câu đối gỗ do Mộc Ân đệ tử Lê Đề cúng tiến. Một chuông đồng đúc năm 1938. Đặc biệt còn lưu giữ một bộ sưu tập sách cổ, sổ sách này chủ yếu có niên hiệu đời vua Tự Đức(1847-1883), cụ thể như sách Minh thánh kinh thị đọc, Khuyến thiện, cảnh thế, tại tâm, Văn tập chứng tu…..Sổ sách này đều được viết bằng hai loại chữ, chữ hán va chữ Nôm rất đẹp nét chữ rõ ràng, với nền giấy dó loại mịn, ngoài bìa có màu xanh hoặc thẫm, khổ giấy không đều nhau, 25x15cm, 30x20cm….

Theo lời kể của cụ Trì(người quản lý đền)-cháu đời thứ 4 của chi tộc họ Nguyễn thì cụ tổ cách ông bốn đời vốn là một người hay chữ nhưng lại trắc trở về đường con cái. Cụ ông và cụ bà từng đi khắp các đền chùa trong tỉnh để cầu tự mà vẫn không có con. Cho đến một ngày, cụ được một số người dân làng bên khuyên nên ra đền Vạn Kiếp để cầu tự, xin đức thánh Trần và các tướng lĩnh nhà Trần ban cho thuận phát về đường con cái vì thời ấy đền Vạn Kiếp nổi tiếng linh thiêng, cầu gì được nấy. Trong lễ cầu tự, khi đức thánh Trần hiển linh giáng bút đã đề thơ cho phép cụ rước bát hương ở đây về thờ trong tư gia. Một thời gian sau thì cụ bà có thai và hạ sinh được một người con trai, chính là ông nội của ông Trì sau này. "Khi quay trở lại đền Vạn Kiếp làm lễ tạ, đức thánh Trần lại giáng bút cho cụ nhà tôi một số cuốn sách kinh và ba cây kiếm quý để về thờ phụng trong gia đình. Đến năm 1929, do nhà cửa quá chật chội nên các cụ nhà tôi đã làm lễ xin được xây đàn để rước bát hương và sách kinh cùng kiếm quý ra thờ riêng. Nghe kể lại là các cụ xưa phải lập đàn cầu mãi mới được đức thánh đồng ý" Cũng từ đó, chi tộc họ Nguyễn có lệ, người trước khuất thì truyền lại cho người sau trông nom, hương khói và gìn giữ những báu vật trong đền, không bất kể đó là con cháu ngoại tộc hay nội tộc. Tính đến đời cụ Lê Văn Bội (82 tuổi) là cháu ngoại của dòng họ Nguyễn và là người thủ đền hiện nay thì ngôi đền này đã qua hai trăm năm có lẻ. Trong hơn hai thế kỷ ấy, những cuốn sách kinh cổ và ba cây kiếm quý luôn được con cháu chi tộc họ Nguyễn đặt thờ ở một vị trí trang trọng trong đền. Hàng năm, cứ đến tháng 8 và tháng 3 âm lịch, là ngày kỵ của đức thánh Trần và Mẫu Liễu Hạnh thì những cuốn sách kinh mới được hạ xuống để chư khách thập phương được dịp chiêm ngưỡng. Câu thành ngữ “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” có nguồn gốc từ đó.

Hàng năm tại đền Tích Thiện đúng vào ngày mất của Hưng đaọ Đại vương Trần Quốc Tuấn 20/8 Âm lịch, nhân dân làng Vân Chàng đều tổ chức tế lễ. Đây chính là dịp để người dân thể hiện đạo lí sống “uống nước nhớ nguồn” và tỏ lòng tri ân vị anh hùng dân tộc và từ tấm gương của vị anh hùng dân tộc đã từng làm nên nghiệp lớn trong lịch sử sẽ tiếp thêm ý nghĩa tinh thần cho mỗi gia đình, làng quê, vượt bao khó khăn, trở ngại để xây dựng làng quê ngày một văn minh, giàu đẹp hơn.

          Trước cách mạng tháng tám năm 1945, di tích được chính quyền phong kiến, nhân dân địa phương bảo quản thờ phụng. Từ năm 1954 trở về sau do sự phá hoại của chiến tranh, tác động của thiên nhiên nên di tích bị xuống cấp. Được sự tạo điều kiện của chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành tu bổ di tích. Năm 2010,  Đền Tích Thiện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Văn bản mới ban hành
      PHÁT THANH P. ĐỨC THUẬN
      Bản đồ phường Đức Thuận
       Liên kết website
      Thống kê: 403.332
      Online: 44