Trong không khí vui tươi phấn khởi, toàn Đảng toàn dân và toàn quân ta đang ra sức lập nhiều thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại của quê hương đất nước, không khí chuẩn bị chào đón một mùa xuân mới.

Trong thời khắc lịch sử của đất nước và dân tộc. Đảng bộ và nhân dân Phường Đức Thuận và dòng họ Lê Bá long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Lê Lai Yến theo Quyết định số 3396/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà tĩnh.

 Đức Thuận là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, người dân Đức Thuận dũng cảm kiên trung trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất một lòng theo Đảng. Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã sinh ra nhiều danh nhân văn hóa qua các triều đại, đã làm rạng rỡ truyền thống văn hóa. Đến nay đã có 8 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có một di tích lịch sử cấp Quốc gia, 7 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhà thờ cử nhân Lê Lai Yến được công nhận di tích lịch sử thứ 8 của Phường

Phong cảnh quê hương Đức Thuận có chùa Long Đàm, nhà thờ Song Trạng Nguyên và nhiều di tích lịch sử được xếp hạng khác. Bên cạnh đó có dòng sông Minh trong xanh hiền hòa êm chảy, tưới mát cho những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Tọa lạc dưới chân núi Hồng Lĩnh huyền thoại đã tạo nên một bức sơn thủy hữu tình nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Quốc gia Thiên tượng suối Tiên,

Nhà thờ Lê Lai Yến được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh là niềm vinh dự cho Đảng bộ, nhân dân Đức Thuận và dòng họ Lê Bá. Đây là di tích thứ tám được xếp hạng. Khẳng định Đức Thuận là địa phương có nhiều di tích được xếp hạng nhất trên toàn Thị xã. Điều đó minh chứng rằng đây là vùng quê có truyền thống văn hóa lâu đời.

Cử nhân Lê Lai Yến (1835-1899). Nói đến thân thế, cuộc đời sự nghiệp của cụ Lê Lai Yến và dòng họ Lê Bá, trong mỗi chúng ta đều lấy làm tự hào và xúc động trước sự tài hoa đức độ của cụ.

Chuyện kể rằng, ở cạnh chùa Kênh là một vùng quê trù phú, dân cư buôn bán làm ăn phát đạt. Ở cạnh bờ sông có một cây xoài rất to, phải đến hai ba người ôm cành lá sum suê. Một tối vắng vẻ không trăng không sao, cụ Tuần thân sinh cụ Thị đang thời trai trẻ đi qua cổng Chùa, nghe tiếng xôn xao như tiếng trẻ đọc sách học bài, cụ ngước lên ngọn xoài thấy một đàn đom đóm hàng trăm con đậu khắp cành cây làm sáng cả một góc vườn. Đặc biệt một con có ánh sáng lớn hơn cả đàn, mỗi lần con đom đóm lớn bay lên sát ngọn cây thì tiếng râm ran càng lớn hơn. Có những lúc nghe như tiếng đọc sách "ê-a”. Đứng nhìn một lúc, vui miệng cụ nói: “muốn học bài thì vào nhà tôi, sẵn có đèn sách mà học cho vui. Ở đây mưa gió chịu sao nổi”.

Mấy ngày hôm sau, cụ bà quảy đôi vò đi gánh nước ở sông lúc gánh lên đường gần cổng chùa thì nghe tiếng vò loảng choảng, như đụng vào đá. Về đến nhà bà kể lại sự việc, cụ ông nói: “ không phải bể vò đâu, đó là nước phúc, nước lộc bề trên giành cho bà uống đó”. Nghe vậy cụ bà để giành riêng hai vò nước và hàng ngày múc uống. Vừa hết hai vò nước là cùng lúc bà cụ mang thai và sinh ra cụ Thị. Tức cử nhân Lê Lai Yến.

Cụ là người con trai duy nhất của cụ Tuần và sinh hạ kế thế nòi giống cho đến nay được đông vui thịnh vượng. Cử nhân Lê Lai Yến sinh năm Ất Mùi 1835, cụ đã thi đậu 2 khóa tú tài và 01 khóa cử nhân. Ngài Lê lai Yến đậu cử nhân năm Canh Ngọ 1870. Thời vua Tự Đức thứ 23. Ngài đậu cử nhân lúc đó tròn 35 tuổi, là một kỉ niệm lớn đối với địa phương. Cụ là người đầu tiên của xã lúc bấy giờ rước bằng “ Bái tổ vinh quy”. Do đó còn lưu lại những câu ví dặm:

Bước sang năm Canh Ngọ

Vua mở hội khoa thi

Thí sinh khắp ba kì

Chắc đỗ đầu thiên hạ

Tiếng tăm Vân Chàng xã

Có hai chữ “Lê Lai”.

Sau khi đậu cử nhân ông được bổ dụng làm tri huyện, nhưng do bản tính quá đức độ không phù hợp với việc xử lý các vụ việc hình sự nên cụ đã trả ấn, xin không giữ chức tri huyện và sau đó được cử đi làm huấn đạo tại huyện Tĩnh Gia, sau đổi sang làm giáo thụ Huyện Thọ Xuân-Thanh Hóa. Đến đời vua tự Đức thứ 27, năm Giáp Tuất. Cụ được phong “Hàn lâm viện thị độc, ngụ phẩm triều đình”, cụ đã dốc hết trí tuệ sức lực tâm huyết để phụng sự giáo dục cho đất nước.

Đến đời vua Thành Thái thứ 11 năm Kỷ Hợi 1899, cụ được phong “Hàn lâm viện thị độc, phụng ngự đại phu, chánh ngũ phẩm”. Sắc bằng hiện còn lưu giữ ở dòng họ ghi lại rằng: “Lê Lai Yến là người tinh thông văn học, tài năng, có thể dùng được, là người có cơ mưu, có hành động có thể giữ gìn về chính trị yên ổn, vững vàng và là người thanh liêm cẩn thận, siêng năng ngăn xấu hướng tốt, mẫn cán trong công việc , tích góp để nêu gương sáng. Nên nay đặc biệt thăng cho nhận chức phụng nghị đại phu chánh ngũ phẩm và vẫn giữu chức giáp thị phủ Thọ Xuân”. Suốt cuộc đời hoạt động ở Thanh Hóa. Với ngành Giáo dục, cụ luôn sống hòa đồng với mọi người già, trẻ, gái, trai. Ngoài việc dạy học cụ còn có biệt tài chữa bệnh cứu người, nên được nhân dân hết sức tôn kính và suy tôn cụ là vị thần sống. Ông được nhân dân địa phương lập bàn thờ rất trang nghiêm. Cụ Lê Lai Yến được coi là vị thần đồng, cho đến lúc trăm tuổi ở Thanh Hóa, học sinh đã rước hài cốt về cát táng sau chùa Kênh, nơi mà gia đình cụ Tuần xem là gốc sinh ra Lê Lai Yến để các đời con cháu ghi nhớ công ơn, đức độ tài hoa lỗi lạc của cụ.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa các vị khách quý!

Tiếp nối truyền thống hiếu học quê hương của dòng họ Lê Bá, đặc biệt là cử nhân Lê Lai Yến, các thế hệ con cháu dòng họ Lê Bá đang học tập công tác trên mọi miền tổ quốc trong nước và nước ngoài đều phát huy khả năng phẩm phất đạo đức say mê nghiên cứu khoa học, hăng hái tham gia sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế thực sự đã góp một phần công sức trí tuệ của mình cho sự phát triển của đất nước và quê hương.

Hiện nay, dòng họ Lê Bá có 01 Giáo sư, 04 Tiến sĩ, 10 Thạc sĩ, 02 Giảng viên Đại học và hơn 50 cháu chắt của cụ đều đậu vào các trường Đại học.Hiện đang công tác trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, xã hội, y học, giáo dục….

Con cháu của cụ sống tại địa phương đều tham gia tích cực xây dựng công cuộc đổi mới của quê hương, tham gia đầy đủ công tác từ thiện nhân đạo, đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong công tác xóa đói giảm nghèo. Điều đáng phấn khởi đến nay toàn dòng họ không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thiếu đói, danh hiệu gia đình văn hóa đạt 97%. Danh hiệu ông bà cha mẹ mẫu mực đạt 100%.

Với công lao to lớn đối với quê hương đất nước, và tấm lòng đức độ của ngài Lê Lai Yến mỗi chúng ta phải biết trân trọng và phát huy những giá trị lịch sử vô giá đó, đồng thời xây dựng di tích trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh cho người dân Đức Thuận, dòng họ Lê Bá và du khách thập phương. Là nơi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu hôm nay và mãi mãi sau này. Đồng thời đây cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Đức Thuận nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương. Quyết tâm gìn giữ và tôn tạo những di sản văn hóa vô giá đó cho hôm nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau.

Trong buổi lễ trọng đại này, một lần nữa cho phép tôi xin gửi tới quý vị đại biểu các vị khách quý đồng bào đồng chí và con cháu dòng họ Lê Bá lời chúc sức khỏe và lời chào kính trọng. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Sở Văn hóa Thông tin Thể thao & Du lịch, Bảo tồn bảo tàng Tỉnh, phòng Di sản văn hóa Tỉnh, Ủy ban nhân dân Thị xã Hồng Lĩnh và lòng biết ơn những người đã có công tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc nhằm góp phần xây dựng di sản văn hóa nhà thờ Lê Lai Yến, nằm trong quần thể di tích lịch sử danh lam thắng cảnh, núi Hồng sông Lam về với giá trị truyền thống của quê hương Hà tĩnh anh hùng./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Văn bản mới ban hành
      PHÁT THANH P. ĐỨC THUẬN
      Bản đồ phường Đức Thuận
       Liên kết website
      Thống kê: 375.920
      Online: 29