Những chính sách ảnh hưởng đến 20 triệu người lao động sắp có hiệu lực

Thêm một ngày nghỉ lễ trong năm, tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian làm thêm theo tháng lên 40 giờ… là những chính sách mới sẽ có ảnh hưởng đến hàng chục triệu người lao động.
 
0:00/0:00
0:00

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Với lần sửa đổi này, luật không chỉ có quy định liên quan đến 20 triệu người có quan hệ lao động, mà còn mở rộng một số quy định áp dụng với người không có quan hệ lao động. Đặc biệt, một số nội dung được áp dụng cho toàn bộ lực lượng lao động xã hội (khoảng 55 triệu người).

Quốc khánh được nghỉ 2 ngày

Điều 112 Bộ luật Lao động sửa đổi quy định bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 1/9 hoặc 3/9 Dương lịch, tùy theo từng năm và theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, gồm: Tết Dương lịch nghỉ 1 ngày; Tết Âm lịch nghỉ 5 ngày; Thống nhất đất nước 30/4 nghỉ 1 ngày; Quốc tế lao động 1/5 nghỉ 1 ngày; Quốc khánh nghỉ 2 ngày; Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) nghỉ 1 ngày.

 

 

Từ 1/1/2021, dịp Quốc khánh, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày và hưởng nguyên lương. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong những ngày này, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Nếu làm việc vào những ngày này sẽ được hưởng ít nhất 300% lương.

Ngoài ra, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.

Thêm 2 trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương

Theo Bộ luật Lao động sửa đổi, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp như: Kết hôn (nghỉ 3 ngày); con đẻ, con nuôi kết hôn (nghỉ 1 ngày); cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi; cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết (nghỉ 3 ngày).

Như vậy, so với luật cũ, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm 2 trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương, cụ thể là trường hợp bố nuôi chết và mẹ nuôi chết.

Cấm ép người lao động mua hàng hóa công ty

Đây cũng là một trong những quy định đáng chú ý của Bộ luật Lao động sửa đổi.

Bộ luật quy định người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động. Đặc biệt, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Tăng tuổi nghỉ hưu

Điều 169 Bộ luật Lao động sửa đổi đề cập đến quy định tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ năm 2021.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ.

Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 5 tuổi.

So với quy định của Bộ luật Lao động 2012, tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, với những công việc đặc thù, việc nghỉ hưu trước tuổi của người lao động cũng được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Người lao động có thể được thưởng “không chỉ bằng tiền”

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật năm 2012. Theo điều 103 của luật, khái niệm thưởng cho người lao động được mở rộng, có thể là tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, từ ngày 1/1/2021, người sử dụng lao động được phép thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền mà còn có thể bằng tài sản hoặc các hình thức khác.

Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập từ việc áp dụng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động, Điều 35 Bộ luật Lao động sửa đổi cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do, chỉ cần báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.

Thậm chí, trong một số trường hợp, người lao động còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước, như: không được bố trí theo đúng công việc, không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc…

Đồng thời, người lao động cũng được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động; các chi phí của việc cung cấp do người sử dụng lao động chi trả...

Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ

Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật năm 2012, đồng thời, không tăng thời giờ làm thêm trong năm.

Bộ luật quy định bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Nếu áp dụng thời giờ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Điểm mới của Bộ luật sửa đổi nằm ở thời gian làm thêm giờ. Theo đó, số giờ làm thêm trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ như trước đây.

Bộ luật cũng quy định cụ thể hơn các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước…

Có thể ủy quyền cho người khác nhận lương

Liên quan đến quy định về tiền lương, Bộ luật Lao động sửa đổi nêu rõ “trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.

Đây là điểm mới không có trong Bộ luật Lao động 2012. Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương…

Ngoài ra, Bộ luật Lao động sửa đổi quy định việc trả các loại phí liên quan đến mở tài khoản và phí chuyển tiền là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động.

Nhằm minh bạch tiền lương của người lao động, bộ luật còn yêu cầu mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương người lao động, trong đó ghi rõ: Tiền lương; tiền lương làm thêm giờ; tiền lương làm việc vào ban đêm; nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…

Nguồn: Báo mới


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH P. ĐỨC THUẬN
    Bản đồ phường Đức Thuận
     Liên kết website
    Thống kê: 402.090
    Online: 3