Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an và một số bộ, ngành đã họp thống nhất việc sửa Luật Giao thông đường bộ 2008. Luật này được sửa theo hướng tách thành 2 luật, trong đó Luật Giao thông đường bộ (Luật Đường bộ) do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Hoàn thiện lấy ý kiến các Bộ, ngành về dự thảo Luật Đường bộ để trình Quốc hội vào tháng 10 tới, Bộ GTVT cho biết phạm vi điều chỉnh của luật này quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Với phạm vi điều chỉnh nói trên, dự thảo luật không bao gồm nội dung quy định về việc đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe…
Như vậy, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc Luật TTATGT do Bộ Công an chủ trì. Điều này cho thấy sự thống nhất về việc tách luật và thay đổi yêu cầu quản lý sau hơn 13 năm Luật Giao thông đường bộ được thi hành.
Bộ GTVT thông tin việc tách luật nhằm đảm bảo phù hợp với mục đích, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội việc chỉnh lý các dự án luật.
Về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Bộ GTVT cho biết: "Đa số đại biểu Quốc hội yêu cầu đánh giá tác động toàn diện, khách quan, khoa học, tránh cục bộ khép kín, độc quyền. Tuy nhiên, Bộ GTVT thấy rằng, việc này Chính phủ đã đánh giá tại hồ sơ dự án luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, nên không đề cập thêm".
Về nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì, có ý kiến đề nghị quy định đi kèm với việc thu phí đường cao tốc thì phải quy định xây dựng các công trình song hành để cho người dân lựa chọn; đề nghị bổ sung quy định tạo nguồn thu với các dự án dùng ngân sách đầu tư đường giao thông; giá trị gia tăng của đất đai khi mở đường phải được thu hồi, đưa trở lại ngân sách nhà nước và được dùng để tái đầu tư cho giao thông vận tải. Phí sử dụng đường bộ hiện hành đang quy định thu trên đầu phương tiện, có ý kiến đề nghị quy định không nên đánh đồng gây bất bình đẳng vì có nơi được đầu tư, có nơi không được đầu tư
Giải trình về vấn đề trên, Bộ GTVT cho biết, ngoài các tuyến đường hiện có đã đảm bảo nhu cầu đi lại bình thường của người dân, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, nhà nước sẽ đầu tư, xây dựng đường cao tốc để rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa. Vì vậy, người dân có quyền lựa chọn tuyến đường khi tham gia giao thông phù hợp với nhu cầu đi lại.
Theo Bộ này, việc quy định tạo nguồn thu với các dự án dùng ngân sách đầu tư đường giao thông, giá trị gia tăng của đất đai khi mở đường phải được thu hồi, đưa trở lại ngân sách nhà nước và được dùng để tái đầu tư cho giao thông vận tải đã được quy định tại Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch đô thị. Vì vậy, dự thảo Luật không quy định lại vấn đề này để tránh trùng lặp.
Đối với đề nghị không nên quy định đánh đồng, gây bất bình đẳng, Bộ GTVT thông tin đã nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý Điều 46 dự thảo luật theo hướng nguồn phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước gồm: Phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành nộp ngân sách trung ương; phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí đối với đường bộ cao tốc, hầm đường bộ có quy mô lớn đối với những đường có đường song hành, bảo đảm cho người dân lựa chọn tùy thuộc nhu cầu của mình và nhà nước có thể thu hồi vốn ngân sách trong việc đầu tư ngân sách xây dựng đường cao tốc./.
Theo BDT