- Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”

Điểm cầu chính tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội). Ảnh: Việt Linh/Zing

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Điểm cầu Hà Tĩnh do các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến cấp xã với 265 điểm cầu trong toàn tỉnh, với 11.864 đại biểu tham dự.

Văn hóa Việt Nam làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc

Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo nội dung: “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…

Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định 3 mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, 2 trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được xác định thuộc về văn hóa.

Cách đây 75 năm, ngày 24/11/1946, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Nhà hát lớn, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Từ đó đến nay, trong mỗi giai đoạn, thời kỳ Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Báo cáo cũng nhận định, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; công tác nghiên cứu lý luận về xây dựng và phát triển văn hóa có nhiều kết quả.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” có kết quả rõ rệt. Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng quy ước văn hóa được quan tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực...

35 năm qua, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống.

Nền văn học, nghệ thuật của nước nhà khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn, phản ánh chân thật đời sống của Nhân dân. Báo chí, truyền thông, xuất bản là vũ khí tư tưởng, văn hóa sắc bén tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của các tầng lớp Nhân dân. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay.

Việt Nam cũng chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, thu được kết quả rõ rệt cả bề rộng lẫn chiều sâu, song phương và đa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa...

Báo cáo cũng nêu rõ những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa trong thời gian tới. Theo đó, Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".

Theo đó, xác định mục tiêu chung là: Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hình ảnh điểm cầu chính. Ảnh: Zing

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng về văn hóa, Đảng ta xây dựng 10 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó cụ thể là: tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển; tập trung nguồn lực cho phát triển văn hóa...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều ý kiến cũng góp ý để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn tiếp theo và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam thời kỳ hội nhập

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hội nghị văn hóa toàn quốc có ý nghĩa về nhiều phương diện và nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng ta luôn luôn quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn tiện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa Đảng, Nhà nước ta xây dựng là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”.

Cũng theo Tổng Bí thư, văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Phân tích những vấn đề còn tồn tại trong phát triển văn hóa, những thời cơ, thách thức trước bối cảnh mới, Tổng Bí thư đề nghị thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, chú trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với các hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội.

Cùng với đó, cần đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ chân - thiện - mỹ; nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, vui tươi, hạnh phúc cho người dân; tiếp tục phát huy vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân.

 

Tổng Bí thư cũng đề nghị, tập trung xây dựng Đảng về văn hóa, về đạo đức để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh; xây dựng văn hóa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo quản lý, trong kinh doanh. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong phát triển văn hóa.

Quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, huy động nguồn lực phát triển văn hóa. Quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Xây dựng văn hóa số phù hợp với thời đại công nghệ số, xã hội số, công dân số nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; từ đó điều tiết sự phát triển đất nước phù hợp bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng: “Với một đất nước trọng văn hiến, trọng hiền tài; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ văn nghệ sỹ có trách nhiệm cao và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm dày thêm văn hóa dân tộc. Từ đó, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

Chiều nay (24/11), hội nghị tiếp tục diễn ra với nội dung về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Theo đó, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Hội nghị tiếp tục lắng nghe các ý kiến tham luận của đại biểu tại các điểm cầu thảo luận giải pháp phát triển văn hoá.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ phát biểu kết luận hội nghị.


Đánh giá:

lượt đánh giá: 0, trung bình: 0.00



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Thứ 5 Ngày 9/1/2025, 6:22:25 AM
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH P. ĐỨC THUẬN
    Bản đồ phường Đức Thuận
     Liên kết website
    Thống kê: 410.111
    Online: 14