Người cao tuổi là một trong các đối tượng “thế yếu” trong xã hội. Do đó, nước ta có khá nhiều chính sách ưu đãi dành cho đối tượng này. Vậy những chính sách đó là gì?
Thế nào là người cao tuổi? Khác gì người già?
Điều 2 Luật Người cao tuổi khẳng định:
Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Căn cứ quy định này, người cao tuổi là người đáp ứng đồng thời hai điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam;
- Từ đủ 60 tuổi trở lên.
Hiện nay, có rất nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm người cao tuổi và người già.
Khái niệm người già chỉ là cách thông thường mọi người gọi một người đã nhiều tuổi. Đồng thời, đây cũng là khái niệm được đề cập đến tại Bộ Luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật này được sửa đổi năm 2017 đã thay thế “người già” thành “người đủ 70 tuổi trở lên”.
Căn cứ phân tích nêu trên, có thể thấy, hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau.
Người cao tuổi được tăng mức trợ cấp xã hội từ 01/7/2021?
Căn cứ khoản 5 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, người cao tuổi là một trong các đối tượng được trợ cấp hàng tháng nếu đáp ứng điều kiện sau đây:
STT
|
Đối tượng
|
Mức hỗ trợ
(đồng/tháng)
|
1
|
- Hộ nghèo.
- Không có người phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
|
1.1
|
Từ đủ 60 - 80 tuổi
|
540.000
|
1.2
|
Từ đủ 80 tuổi trở lên
|
720.000
|
2
|
- Từ đủ 75 - 80 tuổi.
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Không thuộc trường hợp (1.1).
- Sống ở xã đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn.
|
360.000
|
3
|
- Từ đủ 80 tuổi trở lên.
- Không thuộc trường hợp (1.2).
- Không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
|
360.000
|
4
|
- Hộ nghèo.
- Không có người phụng dưỡng.
- Không có điều kiện sống ở cộng đồng.
- Đủ điều kiện được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi, chăm sóc tại cộng đồng.
|
1.080.000
|
Người cao tuổi có được cấp thẻ BHYT miễn phí?
Theo khoản 8 Điều 3 146/2018/NĐ-CP, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này đồng nghĩa, các đối tượng này được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Lưu ý: Nếu người cao tuổi thuộc diện được cấp nhiều loại thẻ BHYT thì chỉ được cấp một thẻ BHYT có quyền lợi cao nhất.
Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám, chữa bệnh?
Đây là nội dung nêu tại khoản 1 Điều 12 Luật Người cao tuổi. Cụ thể:
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, người khuyết tật nặng;
- Được bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú.
Đặc biệt: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi.
Người cao tuổi được giảm giá vé, giá dịch vụ nào?
Người cao tuổi là một trong các đối tượng ưu tiên được giảm giá vé, giá dịch vụ. Tùy vào từng loại dịch vụ mà đối tượng này được giảm theo tỷ lệ nêu tại Điều 5 Nghị định 06/2011/NĐ-CP:
- Giảm ít nhất 15%: Khi đi tàu thủy, tàu hỏa, máy bay.
- Giảm ít nhất 20%: Khi thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thể dục, thể thao có bán vé hoặc thu phí dịch vụ.
Để được hưởng ưu tiên này, người cao tuổi phải xuất trình Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác để chứng minh mình là người cao tuổi.
Người cao tuổi vẫn làm việc thì được hưởng quyền lợi gì?
Sau khi hết tuổi lao động, mọi người thường sẽ chọn nghỉ hưu để tận hưởng tuổi già. Tuy nhiên, không ít trường hợp lựa chọn tiếp tục làm việc.
Khi đó, người lao động cao tuổi được quyền các quyền lợi nêu tại Điều 148, 149 Bộ luật Lao động năm 2019 như:
- Được thỏa thuận với người sử dụng lao động rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian;
- Có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn;
- Được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác nếu đang hưởng lương hưu mà tiếp tục làm việc theo hợp dồng lao động mới ngoài chế độ hưu trí;
- Không phải làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động cao tuổi trừ trường hợp bảo đảm điều kiện làm việc an toàn.
- Được quan tâm chắc sóc sức khỏe tại nơi làm việc.
Bao nhiêu tuổi được chúc thọ và tặng quà?
Ngoài những chính sách ưu đãi nêu trên, người cao tuổi còn được chúc thọ và tặng quà trong một số dịp đặc biệt theo quy định tại Điều 21 Luật Người cao tuổi:
- Người thọ 100 tuổi: Được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà gồm 5 mét vải lụa và 700.000 đồng tiền mặt.
- Người thọ 90 tuổi: Được Chủ tịch tỉnh chúc thọ và tặng quà gồm hiện vật trị giá 150.000 đồng và 500.000 đồng tiền mặt.
Mức chi này là mức tối thiểu và được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 96/2018/TT-BTC. Ngoài ra, người thọ 70, 75, 80, 85, 95 tuổi và trên 100 tuổi còn được Chủ tịch tỉnh tặng quà, chúc thọ căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Khi chết, thân nhân người cao tuổi được hỗ trợ mai táng phí?
Không chỉ được hỗ trợ khi còn sống mà khi chết, một số đối tượng người cao tuổi còn được tổ chức tang lễ và hỗ trợ mai táng phí khi chết.
Cụ thể, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác được hỗ trợ chi phí mai táng. Mức chi phí tối thiểu bằng 20 làn mức chuẩn.
Từ ngày 01/7/2021, mức chuẩn đang được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20 là 360.000 đồng/tháng. Do đó, chi phí mai táng được hỗ trợ ít nhất là 7,2 triệu đồng.
Để được hỗ trợ chi phí mai táng, người tổ chức mai táng chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Tờ khai đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng;
- Bản sao giấy chứng tử;
- Bản sao quyết định hoặc danh sách thôi hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch xã sẽ có văn bản đề nghị kèm hồ sơ nêu trên gửi đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội.
Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Phòng này sẽ xem xét, trình Chủ tịch huyện quyết định hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định.
BBT tổng hợp!