Sau khi nghe báo cáo của cơ quan thường trực, ý kiến phát biểu của các thành viên BCĐ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh kết luận:
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVI-19 diễn biến rất phức tạp ở các tỉnh, thành phố, nguy cơ xâm nhập vào địa bàn Hà Tĩnh rất cao, nhưng cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nên đã kiểm soát được tình hình, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Tuy vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức công tác phòng chống dịch ở một số đơn vị, địa phương khi triển khai nhiệm vụ có thời điểm còn lúng túng, chưa thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ”, thiếu kịp thời trong triển khai các nội dung chỉ đạo của cấp trên, một số phát sinh chậm được giải quyết; việc chi trả phụ cấp phòng chống dịch theo quy định tại một số địa phương còn vướng mắc.
Để tiếp tục kiểm soát tốt, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh phát sinh từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh, giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời qua và thực hiện kịp thời một số nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trọng tâm, yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện ngay các nội dung sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tinh thần chống dịch như chống giặc với phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan; có các giải pháp linh hoạt, sáng tạo để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội cả trước mắt, lâu dài của tỉnh và các địa phương, đơn vị.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Phải chấp hành và tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo, yêu cầu của BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh; đơn vị, địa phương nào tự ý thay đổi, không chấp hành, để ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc làm phát sinh, lây lan dịch bệnh trên địa bàn, trong đơn vị mình thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo quy định.
Một số chỉ đạo, quy định cụ thể
2.1. Cho phép mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh giáo dục (theo hướng dẫn liên ngành Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Y tế); các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/móng chân, cơ sở thẩm mỹ/spa (yêu cầu không phục vụ quá 2 khách hàng trong cùng 1 thời điểm và tối đa không quá 4 người trong 1 phòng/tiệm kinh doanh), thời gian thực hiện từ 6 giờ ngày 12/9/2021.
2.2. Các hoạt động, dịch vụ tiếp tục tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19:
- Hoạt động tại các khu vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage, bi-a; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet công cộng; quán/điểm ăn, uống vỉa hè.
- Các nhà hàng, quán bia, quán ăn, cà phê, giải khát, cửa hàng tạp hóa trên tuyến Quốc lộ 1A, đường tránh Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh (trừ cửa hàng bán các mặt hàng thiết yếu theo hướng dẫn của Sở Công Thương tại Văn bản số 1258 /SCT-QLTM2 ngày 11/8/2021).
2.3. Các hoạt động, dịch vụ hạn chế tổ chức và kèm theo điều kiện cụ thể:
- Các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, giải khát chỉ được bán hàng mang về.
- Hoạt động thể thao ngoài trời: không quá 20 người tại một khu vực trong cùng một thời điểm.
- Chưa tổ chức đám cưới, ăn hỏi, sinh nhật, mừng nhà mới, gặp mặt… có quy mô trên 15 người tại nhà riêng.
- Hạn chế tối đa không quá 30 người tham gia đám tang và yêu cầu tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
- Các hoạt động khác: không tập trung quá 5 người tại một khu vực trong cùng một thời điểm ở vườn hoa, công viên, quảng trường, đường phố, bãi biển và tại các khu vực ngoài trụ sở cơ quan, cơ sở kinh doanh, trường học, cơ sở y tế và các nơi công cộng khác.
2.4. Đối với các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch, số lượng người tham dự không quá 50 người/phòng họp, lập danh sách, địa chỉ, số điện thoại tất cả đại biểu tham dự; người có biểu hiện sốt, ho, cảm cúm… tuyệt đối không được tham dự; trong trường hợp thực sự cần thiết phải tổ chức với số lượng trên 50 người thì cơ quan tổ chức phải xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh bằng văn bản.
Các hoạt động tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng được tổ chức không quá 30 người tham gia và phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
2.5. Về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19: ưu tiên tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp thuộc khu kinh tế, cụm công nghiệp; giáo viên; người buôn bán tại các chợ, siêu thị, khách sạn, cung cấp dịch vụ cắt tóc, gội đầu, nhà hàng...; người kinh doanh các dịch vụ trên Quốc lộ 1A, đường tránh thành phố Hà Tĩnh, đường Hồ Chí Minh và các đối tượng khác được quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế.
2.6. Về hoạt động dạy học năm học 2021 - 2022: Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng phương án tổ chức hoạt động dạy học (bao gồm các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập) phù hợp, đảm bảo an toàn, thích ứng với diễn biến tình hình bệnh trên địa bàn.
2.7. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo tại Văn bản số 5486/UBND-VX1 ngày 19/8//2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, tăng cường các biện pháp để phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, nhất là nguồn lây từ các tỉnh phía Nam và các tỉnh lân cận thông qua các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A; duy trì các chốt kiểm soát phía Bắc và phía Nam của tỉnh, chốt kiểm soát tại các huyện, thành phố thị xã và tại các xã, phường, thị trấn...